VIỆT NAM GIA NHÂP CÔNG ƯỚC SỐ 88 CỦA TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ (ILO) VỀ TỔ CHỨC DỊCH VỤ VIỆC LÀM

  • 21/01/2019
  • 3176

VIỆT NAM GIA NHẬP CÔNG ƯỚC SỐ 88 CỦA TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ (ILO) VỀ TỔ CHỨC DỊCH VỤ VIỆC LÀM

Thế giới đang ở thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời kỳ mà internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được ứng dụng, sử dụng rộng rãi. Kỷ nguyên số làm thay đổi thế giới, tạo ra một thế giới phẳng, đã tác động làm biến đổi thị trường lao động. Cụ thể, nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công bị mất đi, đồng nghĩa với việc người lao động làm nghề đó sẽ thất nghiệp. Nhưng nó cũng làm xuất hiện nhiều ngành nghề, công việc mới tạo ra việc làm mới với yêu cầu chất lượng lao động, trình độ cao. Chính vì vậy, với một quốc gia đang phát triển có trình độ công nghệ, nguồn nhân lực… hạn chế như Việt Nam thì thị trường lao động sẽ gặp nhiều thách thức. Để vượt qua những khó khăn này, một trong những giải pháp phát triển thị trường lao động Việt Nam theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là tham gia các Công ước quốc tế về lao động.
Căn cứ điều ước quốc tế 2016, ngày 12/11/2018 Chính phủ có Tờ trình số 550/TTr-CP về việc ra nhập Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Tổ chức dịch vụ việc làm trình Chủ tịch nước xem xét quyết định việc Việt Nam ra nhập Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Tổ chức dịch vụ việc làm.
     Thực hiện định hướng đó, ngày 28/12/1018 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn phú Trọng đã ký Điều ước quốc tế đa phương, Quyết định số 2515/2018/QĐ-CTN về việc gia nhập Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Tổ chức dịch vụ việc làm, nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối của Đảng; hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động, việc làm nói chung, về dịch vụ việc làm nói riêng; góp phần phát triển hệ thống dịch vụ việc làm theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại và thể hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam với Tổ chức dịch vụ việc làm công quốc tế, ILO và ASEAN…

2019 1 11 1

 

Ảnh 1: Hội thảo tham vấn đề xuất gia nhập Công ước 88 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO)
về tổ chức dịch vụ việc làm

     Việc gia nhập Công ước số 88 bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế về tổ chức dịch vụ việc làm.
     Công ước số 88 là công ước kỹ thuật của ILO về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của hệ thống dịch vụ việc làm. Công ước số 88 bao gồm 22 điều, trong đó có 12 điều về nội dung (từ điều 1 đến điều 12) quy định các vấn đề có tính chất tiêu chuẩn về yêu cầu, mục đích, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nhân sự của hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm công… Cụ thể nội dung của Công ước bao gồm 4 nhóm vấn đề như sau:
     Một là, Chính phủ cần duy trì hệ thống dịch vụ việc làm công miễn phí, thống nhất đặt dưới sự quản lý của một cơ quan quốc gia; hệ thống dịch vụ việc làm công bao gồm các văn phòng ở cấp quốc gia, vùng, miền, thuận tiện cho người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận; ban hành cơ chế để thực hiện việc tham vấn các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động, tổ chức của người lao động về tổ chức và hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm khi xây dựng các chính sách về dịch vụ việc làm.
     Hai là, Công ước xác định chức năng quan trọng nhất của hệ thống dịch vụ việc làm công là giới thiệu việc làm; hệ thống dịch vụ việc làm công phải thực hiện nhiều chức năng của thị trường lao động, cả chức năng chủ động và chức năng bị động như: hướng nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, quản lý bảo hiểm thất nghiệp…
     Ba là, Công ước đưa ra những tiêu chuẩn về tổ chức của hệ thống dịch vụ việc làm công, đảm bảo các yêu cầu: tạo thuận lợi cho việc chuyên môn hóa dịch vụ việc làm theo ngành nghề; đáp ứng nhu cầu của các nhóm đặc thù như người khuyết tật, vị thành niên…; đảm bảo thực hiện các biện pháp, chính sách thị trường lao động chủ động, giúp bảo vệ và tăng khả năng có và duy trì việc làm của người lao động.
     Bốn là, Công ước yêu cầu nhân sự của hệ thống dịch vụ việc làm công phải được tuyển dụng theo các yêu cầu về chuyên môn, không lệ thuộc vào sự thay đổi của Chính phủ.

2019 1 11 2

Ảnh 2: Cục Việc làm phối hợp với tổ chức Lao động Quốc tế tập huấn cho cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm

     Việc phê chuẩn Công ước giúp Việt Nam có các quyền lợi nhất định trong việc tiếp nhận các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của ILO. Bên cạnh đó Việt Nam có nghĩa vụ phải bảo đảm thực hiện các quy định của Công ước trên lãnh thổ quốc gia trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia trong mối liên hệ với luật pháp quốc tế. Cụ thể là: tăng cường cơ chế thi hành và giám sát thi hành các quy định của pháp luật trong nước về tổ chức dịch vụ việc làm công, thúc đẩy dự phát triển của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác dịch vụ việc làm, nguồn lực đầu tư cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; tuân thủ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất về các biện pháp đã tiến hành để tạo hiệu lực cho các điều khoản của Công ước.
     Việc gia nhập Công ước 88 sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm làm phù hợp với các yêu cầu, định hướng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lao động, việc làm nói chung, về dịch vụ việc làm nói riêng được thể hiện trong Chiến lược phát triển KT-XH của Việt Nam. Đồng thời giúp lao động Việt Nam đạt những tiêu chuẩn mới về lao động, có cơ hội tiếp cận với những cơ hội việc làm mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp và tăng thu nhập bình quân đầu người; giúp lao động Việt Nam được đảm bảo những quyền lợi nhất định và có khả năng gia nhập vào thị trường lao động quốc tế.

Nguồn: tapchigiaoduc.moet.gov.vn