Đẩy mạnh hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc

  • 11/08/2022
  • 1732

Đẩy mạnh hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Ngày 03/8/2022, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Nhìn lại hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực lao động, việc làm và xã hội nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao”. Đây là dịp để hai bên nhìn lại chặng đường hợp tác tốt đẹp trong 30 năm qua và trao đổi các giải pháp để mối quan hệ hợp tác ngày càng vững chắc, thực chất và toàn diện. 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam Nguyễn Bá Hoan khẳng định, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2022), trong 30 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những bước phát triển vượt bậc và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức được bắt đầu từ năm 1993 thông qua chương trình hợp tác cung ứng và sử dụng lao động. Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã nhiều lần ký Thỏa thuận hợp tác vào các năm 2004, 2009, 2013, 2019. Hai Bộ đã thiết lập quan hệ đối tác trung, dài hạn và tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác toàn diện trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bà Hoan khẳng định  quyết tâm và sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bà Hoan khẳng định quyết tâm và sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc
Năm 2003, Quốc hội Hàn Quốc phê duyệt Luật cấp phép cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS), có hiệu lực từ ngày 01/8/2004, mở ra cơ hội cho nhiều lao động Việt Nam có trình độ sang làm việc tại Hàn Quốc. Hiện nay, tổng số người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này là 39.659 người. Ngày 31/01/2021, Bộ trưởng LĐTBXH Việt Nam cùng Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký gia hạn Bản ghi nhớ về Chương trình EPS.
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chương trình, dự án và các hoạt động hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong đó có các Dự án về nâng cao năng lực thiết lập hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Dự án thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc; Dự án đào tạo nghề gắn với việc làm cho người khuyết tật, dự án xây dựng hệ thống thông tin quản lý trình độ kỹ năng nghề quốc gia...
Hàn Quốc cũng hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ chuyên gia, nâng cao năng lực phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống dịch vụ việc làm qua các thỏa thuận hợp tác. Hai bên cũng có nhiều hợp tác chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, bình đẳng giới, hỗ trợ người yếu thế....
Nhằm bảo vệ quyền lợi toàn diện cho người lao động hai nước làm việc trên lãnh thổ của nhau trong bối cảnh số lượng người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng tăng, ngày 14/12/2021, tại thủ đô Seoul, với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc Kwon Deok Cheol đã ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam-Hàn Quốc. Đây là một mốc mới trong quan hệ hợp tác về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân hai nước.
Thứ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phát biểu tại điểm cầu Hàn Quốc
Thứ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phát biểu tại điểm cầu Hàn Quốc
Để tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các chương trình hợp tác góp phần nâng tầm quan hệ hai nước lên mức chiến lược toàn diện, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau: 
Xây dựng cơ sở hạ tầng và hợp tác tài chính và kỹ thuật triển khai các dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực cho người lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động có trình độ, chuyên môn, phục vụ đầu tư nước ngoài trong đó có đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam.
Tiếp tục mở rộng quy mô, hình thức hợp tác lao động bao gồm các cơ chế cấp phép, lao động thời vụ, lao động kỳ nghỉ, lao động trong các lĩnh vực đặc thù.
Tăng cường hợp tác kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực về phát triển và quản lý thông tin thị trường lao động; ứng dựng công nghệ trong lĩnh vực này.
Duy trì các hoạt động hợp tác nhằm thúc đẩy an sinh xã hội, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.
“Nhân dịp này, tôi xin cảm ơn các đối tác Hàn Quốc và khẳng định một lần nữa quyết tâm và sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc nhằm củng cố và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước nói chung và trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội nói riêng.” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.
IMG_2432
Tại đầu cầu Hàn Quốc, ông Kwon Gi Seob, Thứ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc khẳng định, 30 năm qua, cùng với sự phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, hợp tác lao động về giữa hai nước đã được nâng lên tầm cao mới. Ngày càng có nhiều lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc và nhiều lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam, những lao động này đã trở thành cầu nối trong quan hệ giữa hai nước.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan cũng nhấn mạnh, năm nay kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác Việt Nam- Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- thương mại, văn hóa, trong đó nền tảng của sự hợp tác đó là hợp tác mât thiết về lao động giữa hai nước. Đại sứ quán Hàn Quốc  sẽ nỗ lực hết sức để mối quan hệ hợp tác về lao động giữa hai nước được thuận lợi, tạo điều kiện cấp visa cho người lao động và thúc đẩy việc thực thi  hiệp định về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc đươc ký kết mới đây.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Thông tin về sự hợp tác trong lĩnh vực lao động và di cư lao động giữa hai nước, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt. Hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp, thông qua các hình thức chủ yếu sau:
Thứ nhất, đi theo Chương trình EPS, đây là kênh phái cử lao động chủ yếu sang Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay có hơn 100.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc và hiện có gần 28.000 lao động đang làm việc (visa E9) tại Hàn Quốc theo Chương trình này. Người lao động  có mức thu nhập bình quân từ 1500-2000 USD/ tháng và được hưởng quyền lợi và các chế độ bảo hiểm theo quy định dành cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc và theo hiệp định sóng phương giữa hai nước về BHXH được ký vào tháng 12/2021.
Thứ hai là lao động kỹ thuật, (visa E7) đi làm việc theo hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc thông qua các Hợp đồng cung ứng lao động ký giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Hàn Quốc. Ngoài ra, người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS cũng có thể thi để chuyển đổi sang lao động kỹ thuật với visa E7. Những lao động nay cư trú và làm việc dài hạn tại Hàn Quốc  (trên 5 năm) với mức lương từ 2000-2500 USD/ tháng. Hiện có khoảng 3.535 lao động kỹ thuật đang là việc tại Hàn Quốc chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, hàn, cơ khí, vận hành máy.
IMG_2513
Thứ ba là người lao động đi làm thuyền viên trên các tàu đánh cá gần bờ và tàu cá xa bờ theo các hợp đồng cung ứng thuyền viên ký giữa doanh nghiệp Việt Nam và các chủ tàu Hàn Quốc. Hiện có gần 10.000 thuyền viên Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc với mức lương trên các tàu đánh cá xa bờ từ 450-550 USD/ tháng và tàu cá gần bờ là 1400 USD/ tháng.
Ngoài ra, từ năm 2016, Bộ LĐTBXH đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước, đã tạo điều kiện cho người nông dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác, thu hoạch, bảo quản và phân phối sản phẩm nông nghiệp. Hiện có 9 địa phương gồm Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Cà Mau và Quảng Bình đã ký thỏa thuận với Hàn Quốc và đưa gần 1.000 lao động đi, 17 tỉnh đang xúc tiến đàm phán để ký thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc.
Nguồn: http://molisa.gov.vn/