Tăng sức hút cho mục kinh nghiệm làm việc trong CV

  • 24/06/2022
  • 2981

Tăng sức hút cho mục kinh nghiệm làm việc trong CV

Giả sử bạn là nhà tuyển dụng và đang đọc hồ sơ của ứng viên gửi về, đôi mắt của bạn sẽ “lia” đến phần nào đầu tiên? Nếu đoán được kinh nghiệm làm việc trong CV thì bạn đã có câu trả lời chính xác.

“Mục kinh nghiệm làm việc trong CV là dữ liệu quan trọng để giải thích con đường sự nghiệp của bạn với nhà tuyển dụng.”

Đó là nơi họ dành nhiều thời gian nhất để biết trách nhiệm của bạn là gì, bạn đã phát triển những kỹ năng nào, điểm mạnh của bạn nằm ở đâu và thành tích của bạn ra sao. Điều này có nghĩa là việc mô tả và trình bày kinh nghiệm trong quá khứ cần có sự đầu tư nghiêm túc.

Nói như vậy nhưng bạn đừng quá căng thẳng nhé. Lắng nghe chia sẻ về cách viết kinh nghiệm làm việc của các ứng viên đã tìm việc thành công sau đây, bạn sẽ thấy điều này “dễ như ăn kẹo”.

“Khi viết về kinh nghiệm làm việc trong CV, tôi luôn tuân theo khung trình tự thời gian ngược, nói dễ hiểu hơn là bắt đầu với công việc gần nhất và lùi dần về sau. Cách trình bày này phổ biến đến nỗi nhiều người xem đây là điều bắt buộc, nhưng còn có nhiều cách khác như liệt kê theo từng vai trò đảm nhận.

Tôi chọn cách viết theo thứ tự thời gian ngược bởi công việc gần đây của tôi có nhiều điểm tương đồng với vị trí ứng tuyển và tôi muốn cho nhà tuyển dụng thấy ngay rằng mình đã có hiểu biết về những gì họ đang tìm kiếm. Ngoài ra, bằng cách này chỉ cần nhìn sơ qua họ cũng dễ dàng nhận ra sự tiến bộ trong nghề nghiệp của tôi. Khi đó, tôi sẽ được chú ý nhiều hơn” – Đình Khiêm, nhân viên tuyển dụng cao cấp “bật mí”.

Đồng tình với việc trình bày kinh nghiệm làm việc trong CV theo thời gian đảo ngược, Minh Nguyễn, nhân viên Digital Marketing chia sẻ thêm “Ở mỗi vị trí đảm nhận trước đây, mình thường bắt đầu bằng chức danh, tên công ty và khoảng thời gian làm việc, sau đó là các đóng góp và thành tựu đạt được”.

Giải thích về lí do nhấn mạnh vào thành tích hơn là mô tả trách nhiệm, anh cho biết “Hầu hết các nhà tuyển dụng đều đoán được trách nhiệm của bạn ở mỗi vị trí. Họ càng hiểu rõ hơn nếu đó là vị trí họ đang tuyển dụng. Vì vậy mình nghĩ mô tả kỹ về công việc trước đây có khi là dư thừa, và thay vào đó mình tập trung vào các thành tích. Điều này sẽ giúp CV của mình hấp dẫn hơn rất nhiều”.

Đi sâu chi tiết vào các thành tích, Minh Thảo – nhân viên kinh doanh kể lại “Mình làm sales nên CV không thể thiếu các con số định lượng trong trải nghiệm làm việc. Không cần nói tôi là sales giỏi nhất nhóm mà chỉ nhìn vào con số, mọi người sẽ hiểu được rất nhiều. Ngay cả sếp tuyển dụng mình cũng từng nói các con số trong CV là một phần lí do mình được gọi đến phỏng vấn. Ai mà không ấn tượng khi đọc được một dòng như Tăng 15% khách hàng trong tháng đầu hoặc Vượt 20% chỉ tiêu doanh số quý, phải không nào?”.

Không chỉ nhắc về các con số mà Minh Thảo còn tiết lộ một điều vô cùng quan trọng khi nói về kinh nghiệm làm việc, đó là từ khóa. “Trước đây mình không chăm chút cho CV lắm, chỉ nghĩ sao viết vậy và gửi đi. Sau nhiều lần đăng hồ sơ nhưng không được gọi, mình mới tìm cách chỉnh sửa lại.

Phải nói là rất ngạc nhiên khi đọc được thông tin là CV cũng cần từ khóa để được xuất hiện. Giống như tìm kiếm thông tin trên Google, nhà tuyển dụng cũng sẽ gõ từ khóa để tìm ra CV ứng viên. Nếu không có những gì đang được họ tìm kiếm, CV của bạn sẽ mãi chìm trong bóng tối. Đọc xong mình như được khai sáng, thế là bắt tay vào “tút tát”. Đầu tiên là đọc kỹ lại tin tuyển dụng để chọn lọc các từ ngữ quan trọng, có thể là được lặp lại nhiều lần, sau đó “rải” đều cho từng mục, đặc biệt là phần kinh nghiệm. Kết quả không khiến mình thất vọng, không chỉ một mà có đến hai nhà tuyển dụng gọi đến phỏng vấn sau đó”.

Đây là trường hợp đăng CV trên các trang việc làm trực tuyến, vậy khi nộp CV trực tiếp CV cho nhà tuyển dụng, việc thêm từ khóa có cần thiết không? “Chắc chắc là có nhé. Dù gửi CV trực tiếp hay trực tuyến thì nhà tuyển dụng cũng là người cuối cùng đọc nó. Càng có nhiều từ khóa tương đồng với những gì công ty tìm kiếm thì càng chứng tỏ bạn phù hợp với công việc và cơ hội được phỏng vấn sẽ cao hơn”, Minh Thảo khẳng định chắc nịch.

 

“Ngoài việc chú ý đến từ khóa, các con số và trình tự thời gian ngược thì điều tôi chú trọng khi viết mục kinh nghiệm làm việc trong CV là tính nhất quán và ngắn gọn. Đó có thể là sử dụng một phông chữ cho toàn bộ CV, dùng thì hiện tại cho công việc hiện tại và sử dụng thì quá khứ cho tất cả các vai trò trước đó đối với CV tiếng Anh và nếu câu bắt đầu động từ thì tất cả các câu sau cũng như vậy, mỗi câu này chỉ dài 2 dòng là đủ. Làm như vậy giúp người đọc dễ theo dõi, thêm vào đó nó còn cho thấy bạn là người chú ý đến chi tiết. Nhà tuyển dụng tinh tế lắm các bạn ạ, nếu muốn chinh phục họ mình cần tập trung vào những điều nhỏ nhất” - Minh Khoa, Biên dịch viên chốt lại

Trang Đoàn

Nguồn: https://www.careerlink.vn/