Bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất cho công nhân lao động

  • 14/06/2022
  • 5286

Bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất cho công nhân lao động

Sáng 12/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân trong chương trình có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước” tại Bắc Giang. Chương trình gặp gỡ, đối thoại có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Cùng dự buổi đối thoại tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Phạm Tất Thắng, Phó Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành và lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề… 

img6035-1655023015060360169447.jpg

Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành chia sẻ với công nhân, người lao động tại buổi đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chương trình là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước.

Trước khi nghe công nhân lao động nêu ý kiến, câu hỏi, Thủ tướng thông báo tin vui tới toàn thể công nhân lao động sáng nay (12/6), Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, chiểu theo nguyện vọng của anh chị em công nhân. Theo đó, từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng tăng 6% so với mức hiện tại.

Nêu câu hỏi tại buổi đối thoại, Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà, sinh năm 1982, Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi chúng cháu mới 40-45 tuổi. Đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Giải đáp câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, một tỉ lệ thấp. Nhưng với 15 năm phát triển bảo hiểm, đây là thành tích đáng nể của nước ta.

Trong quý I, II/2022, có tình trạng một tỉ lệ nhất định người lao động rút BHXH 1 lần. Đây là điều không tốt, gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu. Vì vậy, việc đầu tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi cho công nhân, người lao động, nhất là đối với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Vấn đề này chúng ta đã rất tập trung trong và sau đợt dịch.

Thứ hai, việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐTBXH chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này, chúng ta sẽ giảm dần thời gian đóng BXHX. Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ.

Bên cạnh đó, Dự thảo tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm BHXH với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, sẽ xử lý một vấn đề quan trọng trong bảo hiểm hiện nay là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng ít, người đóng dài, người đóng ngắn. Thời gian qua, chúng ta chưa làm được điều này.

Tiếp đến, Dự thảo có đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đang khuyến khích người lao động theo hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng bình thường là 10%. Theo thông lệ quốc tế, tỉ lệ này tương ứng là 50%, 20% và 30%.

img6023-16550071860101329287982_1.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Bổ sung phần trả lời về BHXH, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Vừa qua, pháp luật về bảo hiểm xã hội có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm với nhau, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của luật pháp, trên cơ sở đó, nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan, không có lợi cho nhân dân, đất nước, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước và tình hình thực tế.

Công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy, Công ty TOTO Việt Nam, KCN Thăng Long, Đông Anh, TP. Hà Nội có hỏi: Để bảo đảm đời sống người lao động, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc về chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động vì đến nay còn nhiều người chưa được hưởng, nhất là tiền hỗ trợ thuê nhà. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: 2 năm qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các đồng chí lãnh dạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, rất quyết liệt trong việc chỉ đạo ban hành các chính sách liên quan đến người lao động và người yếu thế.

Bộ LĐTBXH đã phối hợp rất chặt chẽ với Uỷ ban Xã hội của Quốc hội và các Bộ như: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. Trong đó có nhiều chính sách chưa có tiền lệ, ban hành sớm nhất. Đó là Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Cho đến nay, tổng kết 2 Nghị quyết này đã có 55 triệu lượt người được thụ hưởng 81.000 tỷ. Đây là con số chưa từng có từ trước đến nay. Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách thì chỉ còn 1 nhóm chính sách hỗ trợ đào tạo đến 31/6/2022 sẽ kết thúc, còn tất cả 11 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động đã kết thúc.

Còn Nghị quyết 116/NQ-CP cho đến nay còn 2 đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp sẽ phấn đấu báo cáo Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hỗ trợ nốt.

Bộ trưởng nhận định, các chính sách được bao phủ tương đối rộng rãi. Đối với lao động và con em công nhân lao động là nội dung được chúng tôi rất quan tâm trong xây dựng chính sách. Tất cả các cháu mồ côi cha mẹ đều có chính sách riêng.

Tổ chức UNICEF đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia chăm sóc trẻ em mồ côi tốt nhất thế giới. Trẻ em có mẹ là F1, F0 sinh ra các cháu trong thời điểm dịch COVID-19 cũng được hỗ trợ; phụ nữ, người cao tuổi cũng đều có chính sách hỗ trợ.

img6026-16550074337371891947969_1.jpg

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung

Riêng về chính sách hỗ trợ nhà ở, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19. Đây là một trong những chính sách được triển khai nhanh nhất, sớm nhất. Hiện nay chỉ có 2 tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Điện Biên và Lai Châu, còn lại 61 tỉnh, thành phố đã tập hợp xong danh sách này.

Về lý do tiền chưa giải ngân nhiều, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nhiều địa phương có thêm thủ tục do đặc thù từng tỉnh thành. Một số tỉnh muốn chi trả tiền hỗ trợ tròn 3 tháng, một số địa phương lại lấy từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương để hỗ trợ cho người lao động.

Bộ LĐTBXH đã cùng Bộ Tài chính thống nhất và sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, sẽ xin ý kiến Quốc hội cho phép ứng 70% kinh phí này để tất cả các địa phương triển khai, bảo đảm đến 15/8 sẽ kết thúc chính sách này với kết quả tốt nhất theo đúng quy định.

Bổ sung nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà và các chính sách hỗ trợ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, thực hiện một cách rất khẩn trương, hỗ trợ hơn 55 triệu người với tổng số tiền hơn 80.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để, kịp thời chính sách này.

Hôm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Chính phủ. Thủ tướng đề nghị hai Bộ phối hợp với các địa phương, các địa phương chủ động hơn thực hiện việc này tại địa phương mình. "Tiền đã có rồi, các địa phương căn cứ các quy định để triển khai sớm, tiếp tục hoàn thiện thủ tục, không để anh chị em công nhân lao động băn khoăn, lo lắng. Tôi nói thế có được không?", Thủ tướng nói.

Về nhà ở cho công nhân, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo, làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần về vấn đề này. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng làm rõ về những việc đã làm được, chưa làm được, những giải pháp thời gian tới, có bước đi phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động nói chung, trong đó có công nhân.

Công nhân Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1981, Công ty CP May xuất khẩu Hà Bắc cho rằng: Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp còn diễn ra nhiều. Dịp gần Tết Nguyên đán vừa qua công ty nơi bạn cháu làm việc chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội nên công nhân không có lương và thưởng Tết. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tranh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động như: Không ký hợp đồng lao động; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội; vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc… để chúng cháu yên tâm làm việc.

 

 

 

 

 

 

img6052-16550180139101137913422.jpg

Thủ tướng Chính phủ tặng 25 suất quà cho những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trước hết, trong những năm qua, người sử dụng lao động và người lao động nước ta là một trong những quốc gia gắn bó. Trong lúc thuận lợi, làm ăn tốt chúng ta cùng hưởng. Thời gian qua, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai,…  nhưng cơ bản doanh nghiệp và người lao động chia sẻ với nhau. Vì vậy đất nước mới phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình đó, còn bộ phận người sử dụng lao động chưa chấp hành nguyên tắc, quy định của pháp luật, bao gồm: Pháp luật về lao động, luật việc làm, luật bảo hiểm, bảo hiểm thất nghiệp, luật an toàn vệ sinh lao động.

Thời gian qua, các địa phương đã rất cố gắng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhiều. Hiện nay, hệ thống pháp luật để bảo vệ người lao động đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như: Tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm; chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm. Thậm chí kể cả những doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng rơi vào tình trạng này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đây là vấn đề đang nổi lên nên tôi giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đánh giá lại tình hình chung trên phạm vi cả nước mức độ đến đâu, nguyên nhân ở đâu, trên cơ sở đó rà soát lại các quy định của pháp luật, rà soát lại khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành; phân tích rõ nguyên nhân để đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này càng sớm, càng tốt. Những gì liên quan đến luật pháp thì đánh giá tác động, thuộc thẩm quyền, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác phải xử lý ngay để bảo đảm lợi ích của người lao động.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, BHXH cùng các cơ quan liên quan tổ chức thực thi pháp luật thật nghiêm, ai chưa chấp hành phải xử lý để bảo vệ lợi ích chung, ai làm tốt phải khuyến khích, tổng kết, nhân rộng mô hình. Sai đến đấu xử lý đến đó, phải tổng kết những mô hình hay, cách làm tốt phải nhân rộng. Vấn đề này giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an chủ trì phối hợp với các địa phương nắm lại tình hình, đánh giá tình hình để có giải pháp phù hợp. Với tinh thần là giữ kỷ cương, kỷ luật, động viên người làm tốt; phải giải quyết được lợi ích chính đáng và hợp pháp của người lao động.

img6053-16550180597501031699332.jpg

Trong khuôn khổ chương trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam chính thức ra mắt Chương trình "Giờ thứ 9+" sau 2 số phát thử nghiệm thành công, nhận được phản hồi rất tích cực từ công nhân lao động và công chúng.

Công nhân Bùi Văn Trường, sinh năm 1983, Công ty TNHH Luxshare-ICT, tỉnh Bắc Giang: Chúng cháu đều mong muốn có tay nghề vững để có thể có thu nhập cao và đời sống ổn định, đóng góp được nhiều cho doanh nghiệp và đất nước. Nhưng hiện nay, việc học nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của nhiều công nhân rất khó khăn, vì điều kiện thời gian, kinh phí, quãng đường từ nơi làm việc đến chỗ học. Đề nghị Chính phủ có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung: Sức ép về công ăn việc làm, đào tạo nghề và đào tạo lại cho công nhân, người lao động đang tạo ra áp lực lớn. Nhưng thời gian tới khoảng năm 2026, theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới sẽ có khoảng 40% người lao động sẽ không còn kỹ năng phù hợp với công việc hiện tại nữa vì sẽ thay thế bằng công nghệ mới; 30% người lao động buộc phải chuyển nghề. Như vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị trước cho 5-10 năm tới theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Hiện nay, tỉ lệ lao động được đào tạo đạt 70%, nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ nghề nghiệp. So sánh trong khu vực ASEAN, chúng ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ đào tạo nghề nghiêp thấp. Vì vậy, chúng ta đã xác định đào tạo nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược của quốc gia để phát triển nhanh. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 với những giải pháp quan trọng:

Trước hết, tiến hành đào tạo nhanh, phân luồng học sinh cấp 2,3, những học sinh không có nhu cầu và không có điều kiện để học lên cao nhanh và ngay thì sẽ cho các em rẽ ngang, vừa học nghề, vừa học văn hóa (9+). Theo phương án này như kinh nghiệm các nước với chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp kỹ sư thực hành theo mô hình Kosen của Nhật Bản đã rất thành công. Hiện nay 23 tỉnh, thành phố đang tiến hành mô hình này đều đạt kết quả tốt. Tuy nhiên mới có văn bản đề nghị các địa phương dừng lại. Ở đây, trên tinh thần các địa phương bám vào luật pháp, bám vào các quy định đặc biệt là luật giáo dục và luật giáo dục đại học để tiến hành.

Thứ hai, sẽ tiến hành đào tạo mới lực lượng lao động. Tới đây, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ sửa đổi Luật việc làm theo tinh thần xác định những ngành nghề nào, những lĩnh vực nào bắt buộc doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải sử dụng lao động có chuyên môn, nếu không có chuyên môn thì phải phối hợp với Nhà nước, phối hợp với cá nhân để đào tạo trước khi vào làm việc. Có những lực lượng lao động phải quy định vào làm việc bao lâu phải đào tạo lại.

Thứ ba, sẽ đào tạo chất lượng cao. Chúng ta sẽ dành 2 nguồn lực rất quan trọng. Thứ nhất là chương trình 2.000 tỷ để xây dựng 3 Trung tâm đào tạo thực hành quốc gia để chỉ đào tạo những ngành nghề, lĩnh vực mà các trường nghề và chưa làm được, những ngành nghề lĩnh vực có tính chất dẫn dắt như các nước phát triển. Tiếp tục, thực hiện đào tạo theo chương trình 34 bộ giáo trình chúng ta nhập từ Đức, Australia, Malaysia để thí điểm ở 45 trường chất lượng cao để có được lực lượng lao động chất lượng cao. Như vậy, đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo đại trà, đào tạo chất lượng cao sẽ song hành trong chương trình 2025. 

Nguồn: http://molisa.gov.vn/