9 điều tuyệt đối nên tránh trong quá trình phỏng vấn nhân sự

  • 08/06/2021
  • 4493

9 điều tuyệt đối nên tránh trong quá trình phỏng vấn nhân sự

Không phải chỉ ứng viên mà ngay nhà tuyển dụng cũng có thể mắc sai lầm và làm hỏng quá trình phỏng vấn nhân sự. Những sai lầm này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu tuyển dụng và tạo ra trải nghiệm kém thú vị cho ứng viên. Tệ nhất, nó có thể khiến các nhân tài hàng đầu từ chối lời đề nghị làm việc của bạn.

Thế nên, điều quan trọng là phải xác định những lỗi bạn có thể đang mắc phải và ngừng thực hiện chúng càng sớm càng tốt. Hãy cùng xem bạn có mắc các lỗi phỏng vấn này không nhé.

Không chào đón

Hầu hết các ứng viên đều sẽ đến buổi phỏng vấn với tâm trạng hồi hộp nhưng háo hức và đúng giờ. Tâm trạng tích cực đó có thể nhanh chóng biến mất nếu họ nhận ra rằng lễ tân không được thông báo về sự có mặt của họ hoặc họ phải chờ đợi 15 hoặc thậm chí 30 phút.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quan điểm của họ về công ty mà còn khiến họ giảm động lực cũng như thể hiện không tốt trong buổi phỏng vấn. 

Không đọc trước hồ sơ

Bận rộn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không dành một vài phút để tìm hiểu hồ sơ ứng viên có thể là một sai lầm lớn trong quá trình phỏng vấn nhân sự. Bạn cần thể hiện rằng bạn xem trọng trình độ của ứng viên và quan tâm đến họ hơn là một bản tài liệu lạnh lùng.

Nếu không, bạn có nguy cơ hỏi những câu hỏi không liên quan hoặc tệ hơn là cố gắng đọc nó ngay tại chỗ. Ứng viên sẽ cảm nhận được những gì bạn đang làm và sẽ không đánh giá cao điều đó.

Bản thân cuộc phỏng vấn không phải là lúc để đọc CV của ứng viên lần đầu tiên. Hãy dành ra ít nhất là 5-10 phút trước buổi phỏng vấn để xem xét. Nếu có điều gì đó trong hồ sơ của họ cần được làm rõ hoặc khiến bạn thấy thú vị, hãy ghi chú lại và đưa nó vào câu hỏi phỏng vấn.

 Xao nhãng và thể hiện rõ điều đó

Có thể bạn bị phân tâm bởi cuộc họp sắp tới hoặc một email quan trọng. Một số người phỏng vấn thậm chí có thể không quan tâm đến ứng viên vì họ có xu hướng thích một ứng viên khác.

Tuy nhiên, các ứng viên đã dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn và họ xứng đáng được lắng nghe. Tâm trạng của họ sẽ ngay lập tức như “trái bóng xì hơi” nếu nhận thấy bạn tỏ ra không nhiệt tình, thiếu tập trung và nhìn vào bất cứ đâu ngoài họ.

Hãy lắng nghe ứng viên như thể bạn đang lắng nghe khách hàng tiềm năng trong quá trình phỏng vấn nhân sự.

Độc chiếm cuộc trò chuyện

Ở vai trò người phỏng vấn, bạn chủ động phá vỡ tảng băng trong giao tiếp, giới thiệu về công ty và đặt câu hỏi là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng khi tất cả những điều này dẫn đến một cuộc độc thoại bất tận, đó có thể là sai lầm có hại nhất và gây bất lợi cho quá trình tuyển dụng.

Ứng viên nên được khuyến khích nói chuyện trong khoảng 80% thời gian của buổi phỏng vấn. Tránh ngắt lời họ và cho họ đủ thời gian để giải quyết các thắc mắc và mối quan tâm của riêng họ.

Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá im lặng, ứng viên không muốn có cảm giác như họ đang nói chuyện với một bức tường. Thay vào đó, hãy đưa ra các câu hỏi rõ ràng, cụ thể và lắng nghe câu trả lời của họ để đào sâu thêm.

Thích khoe khoang

Hãy giới thiệu về công ty theo hướng tích cực nhất có thể trong quá trình phỏng vấn nhân sự. Tuy nhiên, đôi khi, những người phỏng vấn cảm thấy kích động bởi vì họ là những nhân viên thực sự hài lòng với công việc hoặc muốn phóng đại một chút để tạo ấn tượng. Việc khen ngợi công ty nên được thực hiện cẩn thận và được suy nghĩ thấu đáo. Bên cạnh đó, bạn cũng nên luôn kiềm chế việc khen ngợi bản thân mình.

Quá trung thực

Khi ứng viên được mời tham gia buổi phỏng vấn, họ luôn muốn có cơ hội thành công. Hãy tưởng tượng họ sẽ mất bình tĩnh thế nào nếu bạn nói rằng họ kém cỏi hơn các ứng viên khác và cơ hội được tuyển dụng của họ rất nhỏ nhoi hoặc bạn đánh giá thấp CV của họ và ngắt lời để cho họ biết câu trả lời của họ không thuyết phục.

Không điều nào trong số này thể hiện phép lịch sự hoặc mang lại lợi ích. Đừng đưa ra phản hồi cho ứng viên trong buổi phỏng vấn mà hãy dành điều này cho một lá thư từ chối sau đó – văn bản mà bạn sẽ phải soạn thảo một cách cẩn thận.

Né tránh các câu hỏi

Đôi khi người phỏng vấn được hỏi những câu hỏi mà họ không biết câu trả lời. Không có gì phải xấu hổ trong vấn đề này. Đừng cố gắng đánh lạc hướng ứng viên và đừng bao giờ làm điều đó với một thái độ bề trên. Ứng viên sẽ không cảm thấy họ được đối xử tôn trọng nếu bạn làm vậy và chắc chắn sẽ khó chịu trong quá trình này.

Nếu bạn không biết hoặc không thể tiết lộ câu trả lời, hãy nói như vậy. Đừng cảm thấy cần phải thêu dệt hay nói dối. Ứng viên có thể tìm ra câu trả lời sau đó và sẽ cảm thấy bị lừa dối.

Đẩy nhanh quá trình

Hãy tưởng tượng bạn là một ứng viên hào hứng với cơ hội phỏng vấn tại công ty. Bạn dành hàng giờ để nghiên cứu, suy nghĩ về các câu hỏi và nhớ lại những kinh nghiệm trong quá khứ. Sau tất cả những gì đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng thể hiện thì buổi phỏng vấn diễn ra rất chóng vánh.

Tất cả chúng ta đều có thể hiểu điều đó sẽ gây hụt hẫng và làm xấu thêm hình ảnh của nhà tuyển dụng. Khi bạn quyết định mời một ứng viên đến phỏng vấn, hãy chuẩn bị dành thời gian cho họ. Đó là cách duy nhất để đánh giá họ một cách hiệu quả và đưa ra quyết định sáng suốt.

 Không giải thích các bước tiếp theo

Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng bạn đã nói rõ với ứng viên về các bước tiếp theo của quy trình tuyển dụng sau khi phỏng vấn. Hãy xác nhận khung thời gian và thời điểm họ có thể nhận được câu trả lời, cảm ơn họ đã dành thời gian và cung cấp phản hồi ngay khi bạn có được kết quả về sự phù hợp của họ với công việc.

Trong quá trình phỏng vấn nhân sự, điều quan trọng là không được tự mãn và nghĩ rằng tất cả mọi rắc rối đều là do họ. Phỏng vấn xin việc là một quá trình hai chiều và ứng viên cần được tôn trọng như thể là một khách hàng đầy tiềm năng. Do đó, hãy đảm bảo rằng bạn chuẩn bị kỹ lưỡng, thể hiện sự quan tâm và cuối cùng là cho ứng viên biết lý do họ nên chọn bạn hơn những nhà tuyển dụng khác.

Pha Lê

Nguồn: https://www.careerlink.vn/