Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu

  • 09/10/2020
  • 7807

Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu

Với mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý lao động, quản trị nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học với tổ chức, doanh nghiệp trong đào tạo, ngày 7/10 tại Hà Nội, Trường Đại học Thương mại và Trường Đại học Lao động – Xã hội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu”. 

Hội thảo cũng nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm dấu mốc quan trọng: 10 năm thành lập Khoa Quản trị nhân lực và 60 năm thành lập Trường Đại học Thương mại vào năm 2020; 60 năm thành lập Khoa Quản lý nguồn nhân lực và Trường Đại học Lao động - Xã hội vào năm 2021.


1_20.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Trọng Thừa – Thứ trưởng Bộ Nội vụ; GS.TS. Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương Mại; PGS. TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội cùng đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giảng viên của các trường đại học, học viện, đại diện các doanh nghiệp…
2-son.jpg

PGS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại và PGS.TS Lê Thanh Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội đều nhấn mạnh:  Toàn cầu hóa trở thành xu thế tất yếu của thời đại, mang lại nhiều cơ hội cho các quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Toàn cầu hóa tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để mỗi công dân trở thành công dân toàn cầu. Đi liền với đó là sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong bối cảnh đó, nhiều trường đã chủ động đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai mô hình đào tạo tiên tiến, hiệu quả với mục đích có đội ngũ sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp có chất lượng, tự tin tham gia thị trường lao động trong nước cũng như các nước trên thế giới, trở thành những công dân toàn cầu.
3--Ha.jpg

PGS. TS. Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động - Xã hội đại diện cho đơn vị đồng tổ chức Hội thảo phát biểu

Tuy nhiên với một thế giới đa dạng các dân tộc, với những đặc điểm riêng về văn hóa, kinh tế, chính trị, trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, toàn cầu hóa cũng đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức đối với các quốc gia đang phát triển như tụt hậu về kinh tế, suy thoái về văn hóa, chảy máu chất xám, lệ thuộc vào nước ngoài, hủy hoại môi trường.
Những thách thức đó đòi hỏi những suy nghĩ, nhận thức và hành động ở quy mô toàn cầu của những "công dân toàn cầu". Chủ tịch Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu nhận định: “Việt Nam, một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi... Phát triển công dân toàn cầu sẽ là một trong những giá trị căn bản giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”. Diễn đàn Giáo dục vì Sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu của UNESCO được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2019 đã khẳng định quyết tâm phát triển của Việt Nam theo hướng bền vững dựa trên nền tảng một thế hệ con người Việt Nam mới, đủ bản lĩnh và tầm vóc trí tuệ, vượt qua các thách thức toàn cầu trong thời đại hội nhập quốc tế.


thua.jpg
TS. Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu chào mừng hội thảo.

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt coi trọng việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bước ra khỏi phạm vi lãnh thổ quốc gia, hòa mình vào lực lượng lao động quốc tế, như trở thành các chuyên gia kinh tế thế giới, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải thích ứng với việc trở thành công dân toàn cầu, sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ, có trách nhiệm với xã hội. Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu vì vậy không dừng lại ở khát vọng phát triển bản thân của giới trẻ, mà là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn, quốc gia và toàn cầu.
5-chu-tich.jpg

Đoàn Chủ tịch điều hành chương trình Hội thảo, gồm: TS. Đỗ Thị Tươi - Trưởng Khoa Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Lao động - Xã hội (thứ 3 từ trái sang) và PGS.TS Nguyễn Thị Minh Nhàn - Trưởng khoa Quản trị nhân lực Trường Đại học Thương mại (ở giữa, đeo kính)

Tại Hội thảo, các đại biểu đã làm việc tập trung, sôi nổi, trách nhiệm và được lắng nghe 4  tham luận đại diện cho 80 bài viết đăng trong cuốn Kỷ yếu. Các nghiên cứu mang hàm lượng khoa học cao/có giá trị thực tiễn và thể hiện tính đa dạng trong tiếp cận gắn với 03 chủ đề xác định bao gồm: (1) Công dân toàn cầu và đào tạo nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu; (2) Chuyển đổi quan hệ lao động và quản trị nhân lực trong doanh nghiệp định hướng công dân toàn cầu; (3) Định hướng, chính sách của Nhà nước và của Ngành đối với phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu. Đồng thời, tại Hội thảo, các đại biểu còn trực tiếp được nghe các ý kiến trao đổi, chia sẻ quan điểm hết sức cởi mở, giàu tính thực tiễn từ các nhà khoa học kỳ cựu, các doanh nhân – những nhà sử dụng nguồn nhân lực… Các nghiên cứu và trao đổi xác lập các nội dung cốt lõi như:
Khẳng định: Công dân toàn cầu là những người có tư duy và tầm nhìn mang tính toàn cầu; có kiến thức và hiểu biết về các vấn đề kinh tế, xã hội của toàn cầu; có kỹ năng tư duy phê phán và sáng tạo; biết chia sẻ trách nhiệm với những vấn đề chung của toàn cầu, có bản sắc và tôn trọng tính đa dạng.
Các báo cáo đã chỉ ra rằng, nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế để đạt được mục tiêu trở thành công dân toàn cầu. Để thực hiện được mục tiêu đó, trước hết trách nhiệm thuộc về các trường đại học, các cơ sở đào tạo của các doanh nghiệp và của bản thân nguồn nhân lực trong quá trình tự đào tạo để trưởng thành trong công việc.
Nhà nước nổi lên với vai trò dẫn dắt các đối tác xã hội để vượt qua các thách thức khó khăn trong Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu trong nền kinh tế số. Đây là một tất yếu khách quan đặc biệt là ở một nền kinh tế chuyển đổi như ở Việt Nam như hiện nay. Định hướng chung của Nhà nước tập trung vào: (i) nhân tài; (ii) Bảo đảm nguồn tài chính cho phát triển nguồn nhân lực; (iii) Đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nguồn nhân lực từ tất cả các thành viên xã hội; (iv) Đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo theo hướng thực hiện cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, tập trung vào việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng sống cũng như thái độ của người công dân toàn cầu; Xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục và đào tạo phù hợp với chuẩn quốc tế; chú trọng đào tạo kỹ năng cho người học, nhất là ở các trường nghề bằng cách tăng thời lượng thực hành, bớt thời lượng giảng dạy lý thuyết; Tăng cường giáo dục và thường xuyên cập nhật về luật pháp quốc tế, luật pháp cũng như văn hóa của các nước hiện có nhiều nhân lực Việt Nam làm việc hoặc những nước là thị trường tiềm năng của Việt Nam. Tăng cường giáo dục thể chất để nâng cao sức khỏe cho nhân lực.
7-tuyet.jpg

TS. Vũ Thị Ánh Tuyết và cộng sự trình bày tham luận: “Tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng công dân toàn cầu”

Những kết quả nghiên cứu từ Hội thảo này sẽ được tổng hợp và báo cáo lên cơ quan quản lý với niềm tin rằng quyết tâm phát triển của Việt Nam theo hướng bền vững dựa trên nền tảng các thế hệ con người Viêt Nam mới có bản lĩnh, có tầm vóc trí tuệ vượt qua các thách thức toàn cầu trong thời đại hội nhập quốc tế sẽ được hiện thực hóa.
8-dai-bieu_1.jpg

9-daibieu.jpg

Quý vị đại biểu, các thầy cô trong Ban Giám hiệu Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Lao động - Xã hội chụp ảnh lưu niệm 

Nguồn: www.molisa.gov.vn