Đánh giá Báo cáo nghiên cứu so sánh Luật pháp và Chính sách quản lý lao động di cư trong ASEAN

  • 09/10/2020
  • 7232

Đánh giá Báo cáo nghiên cứu so sánh Luật pháp và Chính sách quản lý lao động di cư trong ASEAN

 

Chiều ngày 2/10, Hội thảo trực tuyến “Đánh giá Báo cáo nghiên cứu so sánh Luật pháp và Chính sách quản lý lao động di cư trong ASEAN” đã được Bộ LĐ – TBXH tổ chức. Ở cấp khu vực các hoạt động đang hướng tới hỗ trợ hoàn thiện môi trường khu vực về thúc đẩy dịch chuyển lao động di cư. 

Tham dự cuộc họp trực tiếp tại Hà Nội có đại diện tới từ các Bộ, ngành liên quan, các viện nghiên cứu, các hiệp hội, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực di cư.

Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự trực tuyến của các đại diện đầu mối SLOM-WG các nước thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN, Cơ quan E-READI, các Ủy ban nhóm công tác Thỏa thuận công nhận lẫn nhau và đặc biệt là các tư vấn quốc gia các nước thành viên ASEAN và tư vấn quốc tế của dự án.

 

Đưa ra các chiến lược, tạo thuận lợi cho việc di chuyển lao động nước ngoài trong ASEAN - Ảnh 1.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TBXH) Hà Thị Minh Đức điều hành phiên thảo luận tại điểm cầu Việt Nam

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án do Việt Nam chủ trì, thuộc Kế hoạch công tác của Nhóm công tác về các điển hình lao động tiên tiến nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong ASEAN (SLOM-WG) giai đoạn 2016 - 2020 với sự phối hợp của Ban thư ký ASEAN và sự hỗ trợ của Cơ quan E-READI.

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn về các rào cản đối với việc di chuyển lao động nước ngoài trong khu vực ASEAN và đưa ra các chiến lược vượt qua các rào cản này.

Hội thảo nhằm bàn bạc, xem xét sự khác biệt về luật pháp và chính sách trong việc quản lý nhập cảnh và lưu trú, tổ chức và xuất cảnh của người lao động nước ngoài trong các quốc gia thành viên ASEAN (AMS).

Cùng với đó, xem xét tất cả các cấp độ kỹ năng và bao gồm các nghề nghiệp thuộc 8 Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của ASEAN (MRA) về việc chuẩn bị là một phần của công việc kế hoạch của Nhóm Công tác SLOM về thực hành Lao động Tiến bộ nhằm nâng cao Năng lực Cạnh tranh của ASEAN (SLOM-WG).

Cũng tại hội thảo, đại biểu các nước ASEAN cho rằng, kết quả nghiên cứu cho thấy, quản lý lao động di cư được triển khai và thúc đẩy trên bình diện khu vực ASEAN và quốc gia.

Theo đó, ở cấp khu vực các hoạt động đang hướng tới hỗ trợ hoàn thiện môi trường khu vực về thúc đẩy dịch chuyển lao động di cư; thúc đẩy sự hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau giữa các quốc gia, để giải quyết các vấn đề của di cư; khuyến khích sự phát triển kinh tế và xã hội thông qua việc di cư; nâng cao nhân phẩm và sức khỏe của người di cư.

 

Đưa ra các chiến lược, tạo thuận lợi cho việc di chuyển lao động nước ngoài trong ASEAN - Ảnh 2.

Hội thảo trực tuyến tại các điểm cầu ASEAN

Ở cấp độ quốc gia, quản lý lao động di cư cần hướng tới xây dựng ban hành hệ thống pháp luật, chính sách quản lý lao động nước ngoài thống nhất và phù hợp với các quy định của quốc tế và cam kết khu vực.

Tại Hội thảo trực tuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TBXH) Hà Thị Minh Đức cho biết, trên cơ sở thống nhất tại Cuộc họp chuyên gia của nghiên cứu được tổ chức vào ngày 18/2/2020, các báo cáo quốc gia về luật pháp và chính sách quản lý lao động di cư đã được tư vấn quốc gia của từng quốc gia thành viên ASEAN xây dựng.

Dựa trên các báo cáo quốc gia, tư vấn quốc tế đã đưa ra dự thảo báo cáo khu vực thông qua việc chắt lọc các thông tin có sẵn trong các báo cáo quốc gia, đồng thời đưa ra những phân tích và minh chứng cụ thể.

"Báo cáo khu vực cũng đề xuất các khuyến nghị nhằm giúp các quốc gia thành viên ASEAN có thể xây dựng những chính sách quản lý lao động phù hợp và thực hiện một cách hiệu quả việc quản lý lao động di cư trong khu vực", bà Đức nhấn mạnh.

Từ những chia sẻ của tư vấn quốc tế về nội dung dự thảo và những ý kiến góp ý, bổ sung chỉnh sửa từ các đại biểu tham dự cuộc họp, bản báo cáo khu vực sẽ được hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Đây sẽ là một tài liệu hữu ích cho các nước thành viên ASEAN nhằm giúp các nước có thể học hỏi lẫn nhau về các điển hình tốt trong việc quản lý lao động di cư, cả về phương diện xây dựng chính sách và triển khai thực hiện trong thực tế.

Ngoài ra, tại hội thảo, đại biểu các nước ASEAN cũng đã thảo luận và thống nhất về kế hoạch tiếp theo của nghiên cứu bao gồm việc xây dựng ấn phẩm của báo cáo, cũng như việc tổ chức một hội thảo ra mắt, nhằm giúp báo cáo được chia sẻ tới đông đảo độc giả. 

Nguồn: www.molisa.gov.vn