Thúc đẩy các thỏa thuận song phương trong lĩnh vực lao động, việc làm và xã hội sau covid-19

  • 24/06/2020
  • 7959

Thúc đẩy các thỏa thuận song phương trong lĩnh vực lao động, việc làm và xã hội sau covid-19

Chiều ngày 23/6/2020, tại trụ sở Bộ, Hội thảo trực tuyến giữa bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ về thúc đẩy các thỏa thuận song phương trong lĩnh vực lao động, việc làm và xã hội sau covid 19 đã được tổ chức. Tham gia tại điểm cầu Việt Nam có Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, cùng đại diện Văn phòng ILO tại Việt Nam. Tham dự điểm cầu tại Thụy Sỹ có ông Boris Zucher, Quốc Vụ khanh phụ trách kinh tế, Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ, cùng đại diện Lãnh đạo các cơ quan liên quan.

Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế nói chung và lao động, việc làm nói riêng rất khác nhau giữa các quốc gia. Cùng với quá trình hội nhập toàn cầu ngày càng cao, sự tăng cường tìm kiếm những cơ hội hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tại thời điểm hiện nay sẽ giúp các nước cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Anh-1a---2581.jpg

Các đại biểu thuộc điểm cầu Việt Nam

Thứ trưởng thông tin thêm về tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động đã chịu nhiều tác động từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Nhóm lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có hợp đồng lao động, lao động có thu nhập thấp, lao động trẻ tuổi và lao động cao tuổi, phụ nữ, lao động di cư là những nhóm dễ bị tổn thương dưới tác động của dịch bệnh. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động Việt Nam ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với 75% dân số trong độ tuổi lao động, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức ILO ước tính, đại dịch Covid-19 khiến hơn 22 triệu người lao động Việt Nam đứng trước rủi ro cao về việc làm.

Anh-2b---2622.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo

Trong bối cảnh đó, nhờ thực hiện những giải pháp ứng phó của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn, người lao động bị giảm sâu thu nhập do dịch Covid-19 và sự đồng lòng của người dân trong công tác phòng, chống kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đã thực hiện được vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh giữ vững ổn định xã hội. Trong tháng 5/2020, trên 5.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 36,1% so với tháng trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 26,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2%...

Thông qua những ý kiến của các đại biểu của cả 2 bên tại Hội thảo đều cho thấy người lao động và các doanh nghiệp đều cần quay trở lại hoạt động kinh tế như bình thường để mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới 2,7 tỉ lao động, chiếm 81% lực lượng lao động toàn cầu. Tại Việt Nam, theo ILO ước tính, dịch Covid – 19 có thể ảnh hưởng từ 1,6 đến 10,3 triệu lao động bị hoãn lương hoặc thất nghiệp khi nhiều lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng từ du lịch, nhà hàng, khách sạn và xuất nhập khẩu… Tại hội thảo, hai bên đã trao đổi nhằm tìm ra giải pháp nhằm hỗ trợ người dân dưới tác động của Covid-19 và những giải pháp giúp cho người lao động quay trở lại làm việc, xu hướng để tái cơ cấu lao động là đào tạo và tái đào tạo nhằm tạo việc làm và duy trì việc làm cho người lao động sau đại dịch.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn thời gian tới, các cơ quan phía Thụy Sĩ, Tổ chức ILO sẽ cùng đồng hành cùng Bộ LĐ-TBXH và Chính phủ Việt Nam trong hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đảm bảo an ninh việc làm, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực và chính sách lao động việc làm để đón đầu các cơ hội đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh mới, cũng như giảm thiểu các rủi ro, tạo đà khởi sắc cho thị trường lao động Việt Nam, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.  

anh-ky-ket.jpg

Tại Hội thảo, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ LĐ-TBXH Việt Nam và Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ

Đồng thời, tại Hội thảo, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ LĐ-TBXH Việt Nam và Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ. MOU tái khẳng định cam kết của cả hai nước đối với các mục tiêu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và sự hiểu biết lẫn nhau rằng hợp tác song phương về những vấn đề lao động và việc làm sẽ đóng góp cho các thành tựu đạt được của cả hai bên. MOU được thực hiện thông qua đối thoại cấp cao về lao động giữa ba bên, các cuộc họp chuyên gia, các chương trình hợp tác phát triển kinh tế cũng như các hội nghị chung.

IMG-4075.JPG

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà tại Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ LĐ-TBXH và Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ

Năm 2020, Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn cầu đến các nền kinh tế, thị trường lao động và an sinh xã hội và tạo ra những thách thức đòi hỏi cả hai bên cần đưa ra những khuyến nghị về chính sách nhằm giảm bớt tác động của nó và hỗ trợ phục hồi nhanh chóng.

Nguồn: www.molisa.gov.vn/