ĐÁNH GIÁ CUNG – CẦU 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017

  • 07/07/2017
  • 3785

Trung tâm Dịch vụ việc làm Kon Tum tổng hợp, đánh giá về nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc làm trong Tỉnh, ngoài Tỉnh và Xuất khẩu lao động tại Trung tâm trong 6 tháng đầu năm 2017 như sau:

 

I. Tình hình chung:

- Nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2017: Có 1.288 đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình đăng ký tuyển dụng với tổng nhu cầu tuyển là 10.282 vị trí.

Bảng 1: Bảng tổng hợp nhu cầu tuyển dụng theo từng tháng trong 6 tháng đầu năm 2017

Trình độ

Nhu cầu tuyển dụng

1

2

3

4

5

6

Tổng

Đại học

17

85

69

62

148

99

480

Cao đẳng

19

139

182

100

134

96

668

Trung cấp

69

415

611

461

269

278

2103

Bằng nghề/ tay nghề

119

187

151

56

80

37

630

Lao động phổ thông

121

1470

2293

759

931

825

6396

Tổng

345

2296

3306

1438

1562

1335

10282

- Trong 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác điều tra, thu thập thông tin trực tiếp đến các đơn vị, doanh nghiệp ở các loại hình sản xuất, kinh doanh khác nhau trên địa bàn Tỉnh và đã có 375 đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 3.011 vị trí việc làm trống.

- Về nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động: Số lượng hồ sơ tìm việc của người lao động trong 6 tháng đầu năm 2017 là 1.034 hồ sơ, chia theo trình độ: Đại học: 384 hồ sơ; Cao đẳng: 206 hồ sơ; Trung cấp: 119 hồ sơ; Bằng nghề: 148 hồ sơ; Lao động phổ thông: 177 hồ sơ.

- Về hoạt động chắp nối cung - cầu lao động: Trung tâm đã tích cực đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và đã giới thiệu 5.954 lượt lao động đến phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp, kết quả đạt được là có 2.295 lao động đã được tuyển dụng và có việc làm ổn định.

- Về ngoại Tỉnh: Có 12 đơn vị, doanh nghiệp ngoại tỉnh đăng ký tuyển dụng với tổng nhu cầu tuyển là hơn 1.460 vị trí. Nhu cầu tuyển tập trung chủ yếu là lao động phổ thông làm việc ở các ngành như Chế biến giày da, Chế biến gỗ, Bảo vệ - Vệ sĩ, Chăn nuôi… Trong 6 tháng đầu năm 2017 Trung tâm đã giới thiệu được 416 lượt lao động đến phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp ngoại tỉnh, trong đó có 104 lao động có việc làm.

- Về xuất khẩu lao động: Trung tâm đã tư vấn cho 2.367 lượt người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, giới thiệu 74 lượt lao động đến phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, kết quả đạt được 17 lao động đi làm việc tại Nhật Bản.

II. Đánh giá tình hình tuyển dụng, tìm kiếm việc làm và kết quả chắp nối cung - cầu lao động 6 tháng đầu năm 2017

1.     Về nhu cầu tuyển dụng:

Các đơn vị, doanh nghiệp hiện nay đang xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng chất lượng nguồn nhân lực ngay cả những ngành vốn sử dụng thâm dụng lao động như ngành Dệt may, Giày da, cà phê, cao su … thường xuyên tuyển lao động phổ thông đang chuyển dần sang hướng ưu tiên lao động có kinh nghiệm, kỹ năng… vì vậy theo đánh giá chung xu hướng nhu cầu tuyển dụng theo cơ cấu, trình độ, ngành nghề cũng thay đổi không nhỏ.

Nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong 6 tháng đầu năm 2017 theo cơ cấu trình độ như sau:

- Lao động phổ thông (62,23%): Chủ yếu tuyển dụng lao động làm việc ở các vị trí như Nhân viên kinh doanh, Bán hàng, Công nhân sản xuất, Phục vụ, Tạp vụ, Bảo vệ, Giao hàng….

- Trình độ Bằng nghề/tay nghề (6,13%): Chủ yếu tuyển dụng lao động làm Lái xe, Cơ khí, Sửa chữa xe cơ giới, Đầu bếp…

- Trình độ Trung cấp (20,45%): Các ngành, nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như Nhân viên kinh doanh, Kế toán, Công nghệ ô tô, Điện, Kỹ thuật viên tin học, Nông nghiệp/Nông lâm…

- Trình độ Cao đẳng (6,52%): Các ngành, nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như Kinh doanh, Kế toán, Điện, Dịch vụ khách hàng, Sư phạm…

- Trình độ Đại học (4,67%): Các ngành, nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như Quản trị kinh doanh/Marketing, Kế toán, Nông nghiệp/Nông lâm, Xây dựng, Sư phạm…

Hình 1: Biểu đồ đánh giá nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ trong 6 tháng đầu năm 2017

Nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn Tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng 48,91% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng ở tất cả các trình độ, đặc biệt nhu cầu lao động có trình độ trung cấp tăng 67,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân nhu cầu tuyển dụng tăng là do tỉnh ta đã có nhiều chính sách thiết thực về các chính sách đầu tư, năm nay cũng là năm nhiều hoạt động lớn diễn ra như festival cà phê nên ngay từ đầu năm đã thu hút lượng lớn lao động phục vụ cho các hoạt sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch.

Hình 2: Biểu đồ đánh giá nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ trong 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016

Trong 6 tháng đầu năm 2017, nhu cầu nhân lực tập trung nhiều nhất ở các nhóm ngành như Dịch vụ phục vụ (38,66%), Kinh doanh – Bán hàng (30,71%), Dịch vụ Du lịch – Nhà hàng khách sạn (6,52%), Cơ khí/Xây dựng (4,85%), Hành chính - Văn phòng (4,48%), Điện/CNTT (3,87%) và các ngành khác...

Nhu cầu lao động ở lĩnh vực Dịch vụ phục vụ chiếm ưu thế, xuất phát từ yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng Công nghiệp, Dịch vụ trong những năm tới. Mặt khác, nhu cầu sử dụng dịch vụ tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao đối với nhóm ngành dịch vụ.

Hình 3: Biểu đồ đánh giá nhu cầu tuyển dụng lao động theo ngành nghề trong 6 tháng đầu năm 2017

2. Về nhu cầu tìm kiếm việc làm

- Nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động 06 tháng đầu năm 2017 giảm 19,96% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân dẫn đến lượng lao động nộp hồ sơ tại trung tâm giảm mạnh là do hiện nay hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ thu hút một lượng lớn lao động phổ thông tại địa phương.

 

Hình 4: Biểu đồ đánh giá nhu cầu tìm việc làm theo trình độ trong 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016

- Nhu cầu tìm việc làm trong 6 tháng đầu năm 2017 theo cơ cấu trình độ như sau:

Lao động phổ thông (17,12%): Nhu cầu tìm việc làm của lao động tập trung chủ yếu ở các vị trí như Công nhân sản xuất, Bán hàng, Phục vụ, Tạp vụ, Bảo vệ….

Trình độ Bằng nghề/tay nghề (14,31%): Lao động nộp hồ sơ ở một số vị trí như Lái xe, Cơ khí – Công nghệ ô tô, Nấu ăn…

Trình độ Trung cấp (11,51%): Nhu cầu tìm việc làm tập trung ở một số nghề như Kế toán, Xây dựng, Điều dưỡng, Sư phạm….

Trình độ Cao đẳng (19,92%): Lao động nộp hồ sơ tìm việc làm chủ yếu ở các nghề như Kế toán, Quản trị kinh doanh/Marketing, Điện tử…

Trình độ Đại học (37,14%): Lao động nộp hồ sơ tìm việc làm chủ yếu ở các nghề như Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Xây dựng…

Hình 5: Biểu đồ đánh giá nhu cầu tìm việc làm theo trình độ trong 6 tháng đầu năm 2017

3. Kết quả chắp nối cung – cầu lao động

- Trong 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm đã giới thiệu 5.954 lượt ứng viên đến phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình có nhu cầu tuyển dụng tại trung tâm. Kết quả sau phỏng vấn đã có 2.295 ứng viên có việc làm mới. Nhu cầu tuyển dụng lao động tại trung tâm trong 6 tháng qua là rất lớn tuy nhiên nhu cầu tuyển tập trung quá nhiều vào lực lượng lao động phổ thông và vị trí tuyển dụng lại không đa dạng trong khi lao động nộp hồ sơ tại trung tâm vừa ít vừa chủ yếu là lao động đã qua đào tạo nên nguồn cung tại trung tâm nhìn chung không phù hợp với nhu cầu tuyển. Bên cạnh đó chất lượng nguồn lao động chưa thật sự cao, yêu cầu tuyển dụng của một số đơn vị, doanh nghiệp chưa tương xứng với chế độ đãi ngộ cho người lao động nên công tác chắp nối cung cầu lao động của trung tâm còn gặp nhiều khó khăn.

- Phân tích một số nhóm ngành nghề nổi bật về cung – cầu trong 6 tháng đầu năm 2017:

+ Dịch vụ phục vụ: Chiếm 38,66% tổng nhu cầu tuyển dụng và là nhóm ngành có nhu cầu tuyển cao nhất. Nhu cầu tuyển làm việc ở các vị trí như Công nhân sản xuất, Bảo vệ, Giao hàng…. và chủ yếu tuyển lao động phổ thông.

+ Kinh doanh – Bán hàng: Chiếm 30,71% tổng nhu cầu tuyển dụng và chủ yếu tuyển lao động làm việc tại vị trí Nhân viên kinh doanh. Đây là ngành có sự chênh lệch lớn nhất về cung và cầu lao động. Lao động nộp hồ sơ tìm việc làm trong ngành này rất ít và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của doanh nghiệp. Nguyên nhân do công việc này có mức ổn định thấp, nhân viên phải chịu nhiều áp lực về doanh số, công việc vất vả, phải thường xuyên tiếp xúc, giao tiếp với nhiều kiểu người khác nhau.

+ Cơ khí/Xây dựng: Chiếm 4,85% tổng nhu cầu tuyển dụng. Đây là nhóm ngành đòi hỏi lao động có kinh nghiệm, tay nghề, trình độ cao trong khi nhân lực ngành này lại thiếu trầm trọng đặc biệt là ngành Cơ khí, tay nghề chưa cao.

Bảng 2: Bảng tổng hợp cung – cầu lao động trong 6 tháng đầu năm 2017

Nhu cầu tuyển dụng/giới thiệu, cung ứng

Tổng cộng

Chia theo trình độ

Đại học

Cao đẳng

Trung cấp

Bằng nghề/ tay nghề

Lao động phổ thông

Nhu cầu tuyển dụng 6 tháng đầu năm 2017

10282

480

670

2103

630

6399

Số lượng hồ sơ ứng viên nộp tại Trung tâm còn tồn tính đến 31/12/2016

1520

605

323

236

256

288

Số lượng hồ sơ ứng viên nộp tại Trung tâm 6 tháng đầu năm 2017

1034

384

206

119

148

177

Số lượt hồ sơ lao động được giới thiệu 6 tháng đầu năm 2017

5954

2247

1499

847

659

702

Hồ sơ lao động được tuyển dụng 6 tháng đầu năm 2017

2295

821

488

301

318

367

- Trong 6 tháng đầu năm 2017 nhu cầu tuyển dụng tại trung tâm tăng 48,91%, lượt giới thiệu lao động tăng 1,12%, lượt lao động có việc làm tăng 19,47% so với cùng kỳ năm 2016. So với cùng kỳ năm 2015 thì nhu cầu tuyển dụng tăng 121,5%, lượt giới thiệu tăng 23,07% và lượt lao động có việc làm tăng 42,19%. Nhu cầu tuyển dụng, lượt giới thiệu lao động và lao động có việc làm ngày càng tăng do hoạt động của trung tâm trong nhiều năm qua đã tạo được niềm tin cho các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động.

Hình 6: Biểu đồ đánh giá kết quả chắp nối cung – cầu lao động 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 và năm 2015

Nguồn cung lao động hay nói cách khác là nhu cầu tìm kiếm việc làm tập trung chủ yếu ở 2 phân khúc đó là tốt nghiệp Đại học (Doanh nghiệp sản xuất ít có nhu cầu tuyển dụng) hoặc lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề (không đáp ứng được yêu cầu công việc), trong khi đó nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp lại tập trung vào công nhân lành nghề và trung cấp kỹ thuật.

III. Nhận định xu hướng cung - cầu lao động Quý III năm 2017:

- Trong Quý III/2017, thị trường lao động trên địa bàn Tỉnh vẫn tiếp tục mất cân đối giữa cung – cầu lao động cả về trình độ và ngành nghề.

- Nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý III sẽ giảm so với quý II do tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đã đi vào ổn định. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao là: Dịch vụ phục vụ, Kinh doanh – Bán hàng…

- Nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động đã qua đào tạo chuyên môn có xu hướng tăng ở tất cả các ngành nghề vì trong những tháng này một số lượng lớn học sinh - sinh viên tốt nghiệp ra trường gia nhập vào thị trường lao động.

- Về xuất khẩu lao động: Nhu cầu đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong quý III năm 2017 giảm nhẹ so với quý II do trung tâm đã đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động ngay từ đầu năm nên đã khai thác được phần lớn nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của lao động đồng thời do các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu hoạt động mạnh gây nhiễu loạn thông tin, gây mất lòng tin của người lao động.

TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM KON TUM