13 triệu người hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ra sao?

  • 29/09/2021
  • 5557

13 triệu người hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ra sao?

Có khoảng 13 triệu người lao động sẽ được hưởng hỗ trợ theo nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với khoảng 38.000 tỉ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

 

Người dân khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại TP.HCM nhận hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt từ các gói hỗ trợ của TP.HCM - Ảnh: VŨ THỦY 

Ông Lê Hùng Sơn - phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - cho biết người lao động thụ hưởng từ gói hỗ trợ này là những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm 30-9-2021 và người lao động đã bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1-1-2020 tới hết 30-9-2021 - thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên không được hưởng gói hỗ trợ này.

Theo đó, sẽ có khoảng 13 triệu người lao động và 38.000 đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này.

Với gói hỗ trợ này, có 2 yếu tố cần xác định là đối tượng thụ hưởng và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp để xác định mức hưởng thì hiện nay cơ quan bảo hiểm xã hội đã có mã số định danh của 13 triệu người lao động cũng như dữ liệu trên hệ thống để xác định 2 yếu tố này.

Do đó, người lao động vẫn đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp (khoảng 10 triệu người), cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả qua tài khoản cá nhân.

Người lao động chỉ cần cung cấp cho doanh nghiệp số tài khoản cá nhân, còn với những thông tin liên quan đến nhân thân như số CMND/căn cước công dân và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ in sẵn ra để người nhận đối soát.

Một số trường hợp đặc biệt khi người lao động không thể mở được tài khoản cá nhân, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả qua doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự kịp thời và minh bạch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động nên nhanh chóng mở tài khoản cá nhân qua hệ thống các ngân hàng để có thể nhận được nhanh nhất và chính xác nhất.

Đối với người lao động bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1-1-2020 đến nay, những người lao động đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động không ở doanh nghiệp, đã về các địa phương (khoảng 2,5 triệu người) sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh/huyện sẵn sàng tiếp nhận đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của người lao động, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Đối với 38.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% trong thời gian 12 tháng (từ 1-10-2021 đến 30-9-2022) sẽ không phát sinh thủ tục hành chính.

Cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm Quản lý thu các khoản bảo hiểm hằng tháng sẽ in ra bảng đối chiếu thanh toán số phải thu nộp. Trên bảng thanh toán đó Bảo hiểm xã hội sẽ loại trừ khoản đóng 1% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp.

Về thời gian triển khai hỗ trợ, nghị quyết 116 của Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện gói hỗ trợ này trong 3 tháng (từ 1-10-2021 đến 31-12-2021). Mới đây, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đặt ra quyết tâm hoàn thành việc triển khai gói hỗ trợ trong 1,5 tháng.

Mức hỗ trợ của người đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Thời gian đóng dưới 12 tháng, nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng nhận mức 2,1 triệu đồng/người; từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng tăng lên là 2,4 triệu đồng/người.

Trong khi đó, người đóng từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng nhận hỗ trợ 2,65 triệu đồng/người, nếu đóng đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng thì nhận 2,9 triệu đồng/người, còn đóng đủ từ 132 tháng trở lên nhận 3,3 triệu đồng/người.

Nguồn kinh phí là khoảng 38.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện hỗ trợ người lao động từ 1-10-2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31-12-2021.

Vũ Thủy

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/