Hỏi đáp chính sách Covid

  • 13/08/2021
  • 2992

HỎI ĐÁP CHÍNH SÁCH COVID

(Câu hỏi tại Hội nghị trực tuyến ngày 05/8/2021 với 63 địa phương và câu hỏi trong các Công văn gửi Bộ của các địa phương)

 

          I. NHÓM CÂU HỎI VỀ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG – BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Câu 1: Đề nghị hướng dẫn về các nội dung được sử dụng đối với số tiền có được từ việc giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống COVID-19, cụ thể như thế nào? Người sử dụng lao động có thể sử dụng số tiền này để chi những nội dung như: Trả phí test nhanh covid cho người lao động, mua mùng mền, ghế xếp, vật dụng phục vụ sản xuất "3 tại chỗ", dụng cụ phòng chống dịch, khẩu trang, tấm chắn, sát khuẩn không?

          Trả lời:

          Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không quy định cứng nhắc các nội dung chi. Vì vậy, người sử dụng lao động chủ động quyết định nội dung chi hợp pháp trên cở sở bảo đảm "hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch COVID-19" đúng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

          Đối với các nội dung chi cụ thể tại câu hỏi trên (trả phí test nhanh covid cho người lao động, mua mùng mền, ghế xếp, vật dụng phục vụ sản xuất "3 tại chỗ", dụng cụ phòng chống dịch, khẩu trang, tấm chắn, sát khuẩn) để hỗ trợ cho người lao động phòng chống covid 19 là không trái với các quy định hiện hành.

Câu 2. Người sử dụng lao động dùng số tiền giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để hỗ trợ tiền trực tiếp cho người lao động có được không?

          Trả lời:

Theo quy định của Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì “người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống Covid-19”, không có quy định loại trừ hình thức hỗ trợ bằng tiền cho người lao động. Do vậy, người sử dụng lao động sẽ quyết định hình thức hỗ trợ cho người lao động phòng chống Covid-19 phù hợp với điều kiện, đặc điểm sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

II. NHÓM CÂU HỎI VỀ CHÍNH SÁCH TẠM HOÃN HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG, THỎA THUẬN NGHỈ KHÔNG HƯỞNG LƯƠNG

Câu 1: Thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương bao gồm “văn bản thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh nên người lao động và người sử dụng lao động không thể gặp mặt để ký văn bản thỏa thuận, vậy có thể xử lý vấn đề này như thế nào cho phù hợp để người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ?

Trả lời:

          Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 2558 /LĐTBXH-VP ngày 05/8/2021 về việc phối hợp triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Tại văn bản, Bộ đã hướng dẫn thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện như sau:

- Trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì sử dụng văn bản thỏa thuận đó;

- Trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản, hai bên người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử,…). Khi có sự thống nhất thỏa thuận về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương giữa hai bên thì người sử dụng lao động ghi rõ cách thức thỏa thuận này vào cột ghi chú của Mẫu số 05 ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.

Câu 2. Trường hợp người lao động đã được giải quyết theo mức hỗ trợ là 1.855.000 đồng/người (tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 30 ngày), nếu sau đó tiếp tục phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với thời gian từ 30 ngày liên tục trở lên có được xem xét giải quyết để hưởng mức hỗ trợ chênh lệch (1.855.000 đồng) không?

Trả lời:

Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định nguyên tắc: Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ; Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ.

Trường hợp người lao động đã được giải quyết theo mức hỗ trợ là 1.855.000 đồng/người (tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 30 ngày), nếu sau đó tiếp tục phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với thời gian từ 30 ngày liên tục trở lên thì có thể nộp bổ sung hồ sơ để được hỗ trợ bổ sung phần chênh lệch. Trường hợp này không trái với các nguyên tắc nêu trên và quy định hiện hành.

Câu 3. Doanh nghiệp nằm trong khu vực bị cách ly y tế nên khó khăn về cung ứng nguyên vật liệu, xuất hàng buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc doanh nghiệp không có điều kiện để bố trí “3 tại chỗ”/ “1 cung đường – 2 địa điểm” thì có được coi là “Doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19” để được hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg không?

Trả lời:

Trường hợp 1: Với những doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”/ “1 cung đường – 2 địa điểm” và phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian thực hiện quy định đó của địa phương được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

          Trường hợp 2: Doanh nghiệp nằm trong khu vực bị cách ly y tế nên khó khăn về cung ứng nguyên vật liệu, xuất hàng buộc phải tạm dừng hoạt động có thể được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

Trong thực tiễn, tùy thuộc vào công tác chỉ đạo chống dịch của mỗi địa phương là tương đối khác nhau theo đặc thù riêng nên cần phải có cách hiểu linh hoạt và phải được thực hiện một cách đơn giản và hiệu quả nhất với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn.

Câu 4. Theo quy định của địa phương, doanh nghiệp được phép hoạt động khi đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ”/ “1 cung đường - 2 địa điểm” và “doanh nghiệp nào không đáp ứng được thì phải tạm dừng sản xuất”. Đối với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”/ “1 cung đường - 2 địa điểm” nhưng có một số người lao động không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm” của doanh nghiệp thì những trường hợp này doanh nghiệp phải thực hiện chính sách pháp luật lao động như thế nào?

Trả lời:

Đối với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”/ “1 cung đường - 2 địa điểm” mà người lao động không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 địa điểm” của doanh nghiệp thì hai bên người lao động và doanh nghiệp thống nhất để xác định theo một trong các cách sau:

- Doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động. Trong trường hợp này, người lao động được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo chương V (Điều 17 đến Điều 20) của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

- Thống nhất với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động theo điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương theo Khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động.

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật lao động, như: thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động; thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo điểm c Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động;...

III. NHÓM CÂU HỎI VỀ CHÍNH SÁCH NGỪNG VIỆC

Câu 1. Một trong các điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ ngừng việc theo Điều 17 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là “người lao động thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Vậy quy định “trong các khu vực bị phong tỏa” được hiểu như thế nào? Là nơi làm việc và/hoặc nơi cư trú của người lao động trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có đúng không? Hoặc địa phương chỉ ghi “giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ” hoặc nằm trong “vùng cách ly y tế phòng chống dịch Covid 19” có được tính là đủ điều kiện nêu trên không?

Trả lời:

Quy định “người lao động thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” tại Khoản 1 Điều 17 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được hiểu là nơi làm việc và/hoặc nơi cư trú của người lao động trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm cả “giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ” hoặc nằm trong “vùng cách ly y tế phòng chống dịch Covid 19”.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường, việc hiểu và áp dụng các chính sách ở mỗi địa phương cần được thực hiện sáng tạo, linh hoạt và chủ động, nhằm đảm bảo phù hợp với công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở mỗi địa phương và hỗ trợ nhanh chóng, đúng đối tượng cho người dân, người lao động trên địa bàn.

Câu 2. Đối với chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, việc chi hỗ trợ người lao động ngừng việc có được chuyển tiền trực tiếp cho người lao động không (không thông qua người sử dụng lao động)?

Nếu được, đề nghị điều chỉnh, bổ sung cột tài khoản của người lao động nhận hỗ trợ (tên tài khoản, số tài khoản, tên Ngân hàng) vào biểu mẫu số 06, cụ thể bổ sung cột thông tin số tài khoản người lao động (đối với người lao động không có số tài khoản thì doanh nghiệp thực hiện chi trả).

Trả lời:

Đây là vấn đề tổ chức thực hiện QĐ 23/2021/QĐ-TTg. Nếu người sử dụng lao động và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương cùng đồng thuận việc chuyển tiền trực tiếp cho người lao động thì hoàn toàn có thể thực hiện được, không trái quy định của pháp luật. Cụ thể:

Biểu mẫu số 6 ban hành kèm theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg bao gồm các thông tin bắt buộc mà người sử dụng lao động phải thực hiện. Việc bổ sung thêm các thông tin khác (ngoài các thông tin bắt buộc theo Mẫu số 6) có thể được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người sử dụng lao động.

Trong trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu tự nguyện chuyển tiền trực tiếp cho từng người lao động theo danh sách thì người sử dụng lao động có thể bổ sung thêm cột tài khoản của người lao động nhận hỗ trợ (tên tài khoản, số tài khoản, tên Ngân hàng) trong biểu mẫu số 06 ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ chuyển tiền trực tiếp cho người lao động. Trong trường hợp này, nếu các cơ quan tại địa phương đồng thuận với đề nghị của người sử dụng lao động thì thực hiện việc chuyển tiền trực tiếp cho người lao động, việc thực hiện này không trái quy định của pháp luật.

IV. NHÓM CÂU HỎI VỀ F0,F1 VÀ BỔ SUNG VỚI TRẺ EM

Câu 1. Xác định thời điểm làm căn cứ để tính tuổi trẻ em

Khi giải quyết chính sách hỗ trợ, tuổi trẻ em (trẻ em chưa đủ 6 tuổi, trẻ em là người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em) được xác định tại thời điểm nào? Thời điểm Nghị quyết 68/NQ-CP có hiệu lực, thời điểm đối tượng nộp hồ sơ hay thời điểm tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động (đối với trường hợp trẻ em chưa đủ 6 tuổi); thời điểm bắt đầu điều trị do nhiễm Covid – 19 hoặc cách ly y tế (đối với trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi)?

Trả lời:

Nguyên tắc chung trong áp dụng pháp luật là xác định theo thời điểm xảy ra hành vi/sự kiện pháp lý; và nếu văn bản quy định hồi tố thì áp dụng theo quy định hồi tố đó (theo Khoản 1 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định hồi tố các chính sách: chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ viêc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động tính từ thời điểm ngày 01/5/2021; chính sách đối với F0 và F1 tính từ thời điểm ngày 27/4/2021 (trong khi Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 07/7/2021).

Như vậy, việc xác định tuổi trẻ em để được hưởng chế độ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được xác định như sau:

- Đối với trẻ em chưa đủ 6 tuổi được xác định tại thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động.

- Đối với trẻ em dưới 16 tuổi được xác định tại thời điểm bắt đầu điều trị do nhiễm Covid -19 hoặc cách ly y tế.

Câu 2. Trường hợp đối tượng là F1 đang thực hiện cách ly y tế (đã thực hiện cách ly được một số ngày) thì phát hiện bị dương tính - nhiễm Covid-19. Như vậy, đối tượng chuyển từ F1 thành F0 và phải tập trung điều trị nhiễm Covid-19 thì có được hưởng đồng thời cả 2 chế độ F1 và F0 không?

Trả lời:

Trường hợp này, đối tượng được hưởng hỗ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian là F1 thực hiện cách ly y tế thực tế (tối đa không quá 21 ngày) và trong thời gian là F0 điều trị thực tế (tối đa không quá 45 ngày).

Câu 3. Trường hợp đối tượng F0 đã điều trị khỏi và được ra viện, nhưng sau đó lại bị tái dương tính; theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đối tượng tiếp tục phải cách ly y tế. Như vậy, trường hợp này, đối tượng có được tiếp tục hưởng hỗ trợ tiền ăn trong thời gian cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không?

Trả lời:

Trường hợp này, đối tượng được hưởng hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian thực hiện cách ly y tế thực tế (tối đa 21 ngày).

Câu 4. Trong thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 07/7/2021 (thời điểm ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg), tại địa phương đã có nhiều đối tượng thuộc diện F0, F1 đã thực hiện điều trị nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế xong. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, người lao động chưa nộp tiền ăn theo quy định, do vậy các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế tập trung chưa thu được tiền ăn của đối tượng. Số chi phí này các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế tập trung hiện vẫn chưa có nguồn để thực hiện thanh quyết toán chi phí. Đề nghị hướng dẫn thực hiện.

Trả lời:

Trường hợp này, cho phép các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế đã tạm ứng tiền ăn cho đối tượng lập hồ sơ thanh toán chi phí trên cơ sở danh sách các đối tượng đã điều trị, đã cách ly y tế tập trung trước đây chưa nộp tiền ăn theo quy định và chưa nhận tiền hỗ trợ để thanh quyết toán chi phí, đảm bảo nguyên tắc: Mức thanh toán đối với trường hợp theo thời gian thực tế thực hiện cách ly và điều trị và không quá 21 ngày đối với trường hợp cách ly, tối đa 45 ngày đối với trường hợp F0.

V. NHÓM CÂU HỎI VỀ HỘ KINH DOANH

          Câu 1. Hộ kinh doanh “không có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế”, chỉ thực hiện “có mua môn bài hàng năm” thì có được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?

Trả lời:

Điều 35 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định một trong các điều kiện để hộ kinh doanh được hỗ trợ là phải “ đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế”.

Do vậy, Hộ kinh doanh “không có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế” thì không thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

VI. NHÓM LAO ĐỘNG TỰ DO VÀ NHÓM KHÁC

Câu 1. Người lao động làm việc cho người sử dụng lao động nhưng các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng pháp luật lao động (không ký hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội…) sẽ không thỏa mãn điều kiện để thụ hưởng các chính sách theo quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, vậy địa phương dự kiến đưa những đối tượng này vào chính sách số 12 của Nghị quyết 68/NQ-CP (một số đối tượng đặc thù khác) để thực hiện hỗ trợ có được không? Hay trách nhiệm hỗ trợ này thuộc người sử dụng lao động?

Trả lời:

Theo quy định pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, trường hợp người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội cho đối tượng lao động bắt buộc tham gia là trái quy định. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người lao động, địa phương có thể xem xét, hỗ trợ nhóm lao động này căn cứ quy định tại khoản 12, mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP, đồng thời yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện các quy định liên quan về bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp... để bảo đảm quyền và nghĩa vụ cho người lao động.

Câu 2. Địa phương được quy định chính sách hỗ trợ lao động tự do một lần hay nhiều lần?

Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đều quy định nguyên tắc: mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ một lần trong một chính sách hỗ trợ. Vậy địa phương có được quy định lao động tự do được hỗ trợ nhiều lần (mỗi lần 1 mức giống nhau hoặc mỗi lần lại có các mức khác nhau) tương ứng với các đợt dịch khác nhau không?

Trả lời:

 Theo tinh thần chung, Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg giao cho các địa phương quy định chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, tùy thuộc vào điều kiện, đặc điểm, bối cảnh dịch bệnh của từng địa phương (ngân sách, số lượng lao động tự do, dịch bệnh ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng,…).

Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định nguyên tắc mỗi đối tượng chỉ được một lần trong 1 chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường, việc hiểu và áp dụng các chính sách ở mỗi địa phương cần được thực hiện sáng tạo, linh hoạt và chủ động, nhằm đảm bảo phù hợp với công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở mỗi địa phương và hỗ trợ nhanh chóng, đúng đối tượng cho người dân, người lao động trên địa bàn. Trường hợp địa phương xét thấy cần thiết phải hỗ trợ nhiều lần cho lao động tự do thì địa phương áp dụng các quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ngân sách Nhà nước để quy định chính sách cho lao động tự do (đối tượng, điều kiện, mức hưởng, số lần hưởng,…).