Hội thảo tham vấn Chương trình Hợp tác Quốc gia Việt Nam – ILO về việc làm bền vững khu vực phía Nam

  • 31/03/2021
  • 6826

Hội thảo tham vấn Chương trình Hợp tác Quốc gia Việt Nam – ILO về việc làm bền vững khu vực phía Nam

 

Sáng 26/3/2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá cuối kỳ Chương trình Hợp tác quốc gia việc làm bền vững Việt Nam – ILO giai đoạn 2017- 2021.

Tham dự có ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TBXH); ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam; đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng các Bộ, ban, ngành và đại diện Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TBXH) cho biết: Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam – ILO về việc làm bền vững là khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa các đối tác ba bên tại Việt Nam và ILO nhằm hướng tới mục tiêu việc làm bền vững ở các nước thành viên trên toàn cầu. Năm 2021 đánh dấu chặng đường 4 năm Việt Nam và ILO thực hiện Chương trình quốc gia việc làm bền vững, giai đoạn 2017-2021 với sự cam kết và tham gia tích cực của các bên liên quan tại Việt Nam.

Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam – ILO giai đoạn 2017-2021 với 3 ưu tiên quốc gia như: Thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững; Giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội (ASXH) tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất; Xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

anh-4ok.jpg

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, tính đến thời điểm hiện tại việc triển khai Chương trình đã đạt được một số thành quả bước đầu đáng kể như: Bộ Luật lao động 2019 được thông qua và có hiệu lực từ 01/01/2021, tạo khung pháp luật hoàn thiện hơn cho quan hệ việc làm, điều kiện lao động và chức năng đại diện của người sử dụng lao động và người lao động. Bộ Luật lao động sửa đổi lần này cũng chú trọng hơn tới việc thực hiện thương lượng tập thể tự nguyện, một công cụ cần thiết đối với một nền kinh tế thị trường hiện đại theo hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình hội nhập toàn cầu sâu rộng. Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

Phát biểu ông Cường cho biết, từ năm 2019-2020 Việt Nam đã gia nhập 4 Công ước quan trọng của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó có 2 Công ước kỹ thuật quan trọng (Công ước số 88 về Tổ chức dịch vụ việc làm, Công ước số 159 về Việc làm cho người khuyết tật) và 02 Công ước cơ bản (Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức). Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được thông qua. Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được ban hành.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và đang triển khai các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, xuất hiện nhiều chính sách, xu hướng, thách thức mới về lao động, việc làm trên toàn cầu và trong nước, chúng ta cần ra soát lại các kết quả đạt được, cả về nội dung và cách thức phối hợp. “Chính vì vậy, Bộ LĐ-TBXH tổ chức hội thảo tham vấn các tỉnh phía Nam để cùng đánh giá về kết quả thực hiện về những biện pháp tăng cường trong thời gian còn lại của Chương trình và chuẩn bị xây dựng Chương trình giai đoạn hợp tác tiếp theo 2022-2026”: ông Cường nhấn mạnh.

Phát biểu đánh giá tại hội thảo ông Lê Duy Bình, Economica Việt Nam cho rằng, việc thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững đã mang lại cơ hội việc làm và kinh nghiệm kinh doanh bền vững tốt hơn cho lao động nữ và nam giới, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương.

Theo ông Lê Duy Bình, số người có việc làm trong năm 2019 là: 54.659,2 nghìn người, trong  đó nam có 28.792,2 nghìn người, nữ có 25.867,0 nghìn người; năm 2020 số người có việc làm là 53.371,6 nghìn người, trong đó nam có 28.169,6 nghìn người, nữ có 25.202,0 nghìn người, nhìn vào con số này cho thây tỷ lệ nam giới và nữ giới có việc làm khá cân bằng (nam 97,8%, nữ 97,4%). Một điều đáng mừng, trong giai đoan thực hiện chương trình, tỷ lệ lao động không có quan hệ lao động liên tục giảm, bình quân mỗi năm khoảng 1%. Cụ thể, năm 2011, có 35% lực lượng lao động có quan hệ lao động, 65% không có quan hệ lao động thì năm 2019 đã có khoảng 45% có quan hệ lao động và gần 55% không có quan hệ lao động. Tỷ lệ việc làm bị tổ thương năm 2011 là 65% đã giảm xuống còn 55% năm 2019. Theo ông Bình tỷ lệ này ước chỉ còn 44% năm 2019. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gây ra các rủy ro về sự tăng trở lại lao động khu vực không chính thức và tỷ lệ việc làm dễ bị tổ thương.

Đồng thời, an sinh xã hội được mở rộng và trao cho nhóm đối tượng đích lớn hơn (nam và nữ) thông qua một hệ thống hiệu quả hơn. Việc làm và thu nhập đã được cải thiện; Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp có tỷ lệ bao phủ tăng; trợ cấp xã hội gia tăng; đặc biệt Việt Nam đã hoàn t hành mục tiêu giảm nghèo, gia tăng mức tiếp cận dịch vụ xã hội,…. Hệ thống quan hệ lao động hiệu quả được xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế và các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.

Tại Hội thảo, ban tổ chức còn nhận được nhiều tham luận của đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, VCCI-HCM,… và lãnh đạo các sở, ngành và Sở LĐ-TBXH các tỉnh khu vực phía Nam góp ý, đánh giá tiến độ và hiệu quả triển khai chương trình, từ đó rút kinh nghiệm để chuẩn bị xây dựng Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và ILO trong giai đoạn 2022-2026.

Nguồn: molisa.gov.vn