'Mướt mồ hôi' làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp

  • 12/06/2020
  • 3607

'Mướt mồ hôi' làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp

“Chị kia xếp sau em sao lại được phiếu trước”, Nguyễn Thu Hà bức xúc trước lá phiếu cuối cùng sắp đến tay song bị người khác chen lên một bước giành lấy.

Hà, 28 tuổi, lau mồ hôi trán, kéo chiếc khẩu trang thắc mắc với nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Cầu Giấy) lúc 8h10 ngày 11/6. Cô đã chờ gần hai tiếng mới đến lượt. Nam nhân viên phát phiếu thứ tự không kịp trở tay trước cảnh trăm người cùng ùa vào, một hàng biến thành 4-5 hàng. 100 phiếu hết veo trong vòng 3 phút.

Hà được anh nhân viên hướng dẫn qua bàn đăng ký online để hẹn lịch hôm khác, song cô không đồng ý bởi đây là lần thứ tư đến làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, vẫn bị chen ngang.

Những lần trước, Hà đi từ 8h song vẫn hết lượt. Cô không thể tới sớm hơn vì không có người trông con gái 16 tháng. Sáng nay, Hà để chồng trông con, rồi phi xe máy từ quận Ba Đình sang quận Cầu Giấy lúc 6h. Đến nơi, dòng người xếp hàng đã kéo dài trăm mét từ cổng trung tâm ra vỉa hè đường Trung Kính. Nhiều người đến trước cô, lúc trời vừa hửng sáng. Trong số họ, phần lớn là nhân viên văn phòng, lái xe, kế toán, công nhân may mặc...

Covid-19 cùng thói quen nhảy việc những ngày sau Tết tác động kép đến thị trường lao động, khiến lượng hồ sơ xin thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh. Trong tháng 5, lượng hồ sơ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhận đạt gần 11.700, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mười ngày đầu tháng 6, trung tâm đã tiếp nhận hơn 4.500 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Riêng ngày 10/6 giải quyết hơn 2.000 thủ tục liên quan chính sách bảo hiểm thất nghiệp, gồm nhận hồ sơ mới, trả kết quả và tiếp nhận khai báo tình trạng tìm kiếm việc làm.

"Từ nay tới tháng 7 sẽ còn căng thẳng hơn", ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo. Tác động của Covid-19 đến thị trường lao động sẽ càng rõ ràng hơn, khi người nghỉ việc trong tháng 4-5 bắt đầu làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bởi theo quy định, người lao động muốn thụ hưởng chính sách này cần mang hồ sơ hợp lệ nộp tại trung tâm dịch vụ việc làm do nhà nước quản lý, trong vòng ba tháng từ ngày chấm dứt hợp đồng.

Hà sau đó được cán bộ trung tâm linh động giải quyết thủ tục trong những phút cuối cùng của phiên làm việc buổi sáng 11/6. Hà từng là nhân viên văn phòng chuyên sắp xếp giấy tờ hành chính trong một công ty thiết kế ở Thanh Xuân đã nghỉ việc từ đầu tháng 5. Tính đến ngày giãn cách xã hội trong Covid-19, công ty đã gần hai tháng không nhận được hợp đồng mới. Một nửa nhân viên nghỉ việc. Hà ở nhà trông con hơn tháng nay, chi tiêu của gia đình ba người phụ thuộc vào số tiền lương nhân viên văn phòng 8 triệu đồng của chồng.

Từ giờ đến cuối năm, vợ chồng sẽ cắt giảm chi tiêu. Hà cũng nghĩ về việc đổi sang thuê nhà nhỏ hơn căn đang thuê 3 triệu đồng một tháng bây giờ.

Người lao động địu con nhỏ đi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Ngọc Thành.

Người lao động địu con nhỏ đi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Ngọc Thành.

Ngồi cạnh Hà, anh Lê Đình Văn, tài xế taxi tư nhân đã nghỉ từ tháng 4 vì không chấp nhận mức lương chỉ còn 20% so với thỏa thuận. Lái xe hơn chục năm, mỗi tháng anh Văn lĩnh chục triệu đồng. Trước ngày giãn cách xã hội, công ty họp toàn thể nhân viên thông báo lương tài xế sẽ giảm còn một nửa.

Thu nhập tụt xuống 5 triệu đồng, anh vẫn cố xoay xở các khoản cố định 3 triệu đồng tiền nhà mỗi tháng, hơn một triệu đồng tiền học cho con. Vợ không có việc làm và con trai đang học lớp một. "Thời buổi dịch giã, giữ được việc là may rồi", người đàn ông 35 tuổi nói.

Nhưng cuối tháng 4 khi hết giãn cách xã hội, công ty lần thứ hai thông báo thu nhập sẽ còn 20% lương. Văn quyết định nghỉ việc. Hơn hai triệu đồng tiền lương tháng 4 là món tiền cuối cùng Văn được nhận. Mấy ngày sau khi bàn giao taxi cho công ty, anh sửa sang chiếc xe máy rồi đăng ký làm tài xế xe ôm công nghệ. Dắt xe ra khỏi cửa từ sáng sớm và trở về khi tối mịt, Văn kiếm được 200.000 đồng, "đủ cho vợ đi chợ mấy ngày". Những ngày này Hà Nội nóng như đổ lửa, cả buổi anh không kiếm được khách nào.

"May mà còn lấy được sổ để đi làm bảo hiểm thất nghiệp", với anh, cuốn sổ có bìa màu xanh nõn chuối bây giờ chính là "sổ gạo". Mất hơn bốn tiếng xếp hàng chờ đợi, Văn cũng nộp được hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp lúc 10h. Anh lại dong xe máy đi kiếm khách và hy vọng tìm được việc làm mới.

Mỗi buổi sáng, anh Ứng Doãn Hùng, nhân viên CDC Cầu Giấy đo thân nhiệt cho khoảng 700 - 800 người đến giao dịch. Ảnh: Ngọc Thành. 

Mỗi buổi sáng, anh Ứng Doãn Hùng đo thân nhiệt cho khoảng 700-800 người đến giao dịch. Ảnh: Ngọc Thành. 

Sự quá tải khiến người lao động phải đi lại nhiều lần làm thủ tục và buộc các nhân viên hoạt động hết công suất. Trên sân Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội rộng hơn trăm mét vuông, anh Ứng Doãn Hùng liên tục đo thân nhiệt cho người xếp hàng. Trời dịu mát nhờ cơn mưa giải nhiệt chiều tối qua, mồ hôi vẫn rịn ra trên trán người đàn ông 48 tuổi. Một tháng rưỡi nay, bình quân buổi sáng anh đo thân nhiệt cho khoảng 700 người, có ngày cao điểm 900. Buổi chiều lượng người giảm một nửa.

Gần hai tuần Hà Nội nóng kỷ lục hơn 40 độ C chỉ khiến lượng người giảm đi một phần. Anh Hùng phải kê bàn ghế, cho người xếp hàng phía trong có điều hòa. Nóng quá, có người lả đi vì kiệt sức hoặc nhiệt độ tăng cao, phải ngồi trước quạt cho hạ nhiệt mới đo lại. Đã quen với chức năng của từng quầy thủ tục, anh Hùng nhiều lúc đảm nhận công việc của nhân viên lễ tân, chỉ cho người lao động bàn nào tư vấn, chỗ nào nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm. "Coi như hỗ trợ cho nhân viên đang căng mình hết công suất phía trong", anh nói.

Sau tấm kính ngăn cách của khu tư vấn trên tầng hai, 24 nhân viên bộ phận một cửa thoăn thoắt soát hồ sơ, tra thông tin, người tư vấn cho lao động làm thủ tục. Phía dưới, gần năm chục chiếc ghế chờ kín chỗ.

Giám đốc Tạ Văn Thảo cho biết trung tâm có 13 sàn vệ tinh ở các huyện ngoại thành. Song tâm lý người lao động muốn đến cơ sở chính để làm thủ tục mới yên lòng đã dẫn đến quá tải. Để người dân không phải xếp hàng chờ đợi, trung tâm đang thử nghiệm ứng dụng đăng ký online, mỗi ngày 40 lượt. Nhưng có chính thức sử dụng hay không thì phải "chờ kết quả", và "xem có đồng bộ với dịch vụ công của thành phố hay không".

Ở sân trung tâm, khi dòng người đã vãn, Hà vẫn ngồi thu lu một góc, hai mắt dán xuống chân. Cô đang tính trưa nay gia đình ba người sẽ ăn gì, mua bao nhiêu sữa, bao nhiêu bỉm với 300.000 đồng trong túi. Số tiền ấy bà chủ nhà bớt cho khi hôm qua cô đóng ba triệu tiền phòng tháng 5. "May mà con chưa đi học", Hà lẩm bẩm.

Hoàng Phương

Nguồn: https://vnexpress.net